Kho chứa hàng rộng lớn của Uniqlo chỉ có vỏn vẹn 10 nhân công làm việc nhờ tự động hóa và con số này sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai.
Kho chứa hàng hóa của Uniqlo ở quận Ariake là một không gian rộng lớn đặt tại thủ đô của nước Nhật. Trừ một vài công nhân ít ỏi đứng trước mỗi băng chuyền đóng gói sản phẩm vào hộp để chuyển tới khách hàng trực tuyến, mọi việc còn lại đều được tự động hóa.
Đây là tầm nhìn tương lai của Fast Retailing – công ty mẹ của hãng thời trang nổi tiếng Uniqlo. Theo đó, họ muốn hướng tới một thế giới nơi mọi thứ từ sản xuất đến lưu kho được kết nối liền mạch với công nghệ thông qua sự can thiệp tối thiểu của con người.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Fast Retailing, ông Tadashi Yanai cho biết đây là cách duy nhất để phát triển đế chế kinh doanh toàn cầu của công ty và để tăng tính cạnh tranh với đối thủ của họ là Amazon, gã khổng lồ thương mại điện tử đến từ Mỹ.
Ông Yanai tuyên bố trong một cuộc họp báo đầu tháng 10 vừa qua: “Chúng tôi là một công ty bán lẻ tiêu dùng kỹ thuật số. Sự tập trung gần đây của chúng tôi vào lĩnh vực công nghệ sẽ tạo ra sự biến đổi lớn cho Uniqlo, một điều cần thiết để tồn tại trong xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay”.
Nhà sáng lập kiêm CEO của Uniqlo, ông Tadashi Yanai.
Kho hàng Ariake gần khu vực cảng Tokyo là một yếu tố quan trọng trong tham vọng của ông Yanai bao gồm các dự án tự động hóa để tăng cường quan hệ đối tác với các công ty khác. Năm ngoái, nơi đây đã trở thành trung tâm doanh nghiệp mới và chiêu mộ nhân viên từ nhiều lĩnh vực khác nhau như phát triển sản phẩm và tiếp thị.
Việc số hóa và hiệu quả đi kèm cũng sẽ giúp công ty giảm thiểu chi phí lao động và chi phí quản lý ngày càng tăng cao. Tại Nhật Bản, tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng khiến cho việc lấp đầy các vị trí trở nên khó khăn. Trong khi đó, ở Trung Quốc, nơi đặt nhiều nhà máy đối tác của Fast Retailing, tiền lương của nhân công cũng đang gia tăng.
Vị Giám đốc điều hành 69 tuổi hiện là cổ đông lớn nhất của công ty với 21,67% cổ phần. Vợ và hai con trai của ông nắm giữ 11,21%. Các con của ông đang giữ chức vụ Phó chủ tịch cấp cao và sẽ được thăng chức trong tháng 11 tới.
Ông Yanai gia nhập công ty gia đình vào năm 1972 sau một thời gian ngắn làm việc tại chuỗi siêu thị Japan United Stores Company (nay là tập đoàn Aeon). Sau khi tới Vương quốc Anh và Mỹ trong thời gian còn là sinh viên, ông đã bị ảnh hưởng bởi hình thức chuỗi cửa hàng bán quần áo tại hai quốc gia này và cửa hàng Uniqlo đầu tiên đã được thành lập từ đó.
Năm 1991, công ty đổi tên thành Fast Retailing và đã mở rộng thành một chuỗi cửa hàng toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Yanai. Năm 2001, họ mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại London nhưng sau đó phải đóng cửa 16 trong số 21 cửa hàng tại đây sau hai năm vì những khó khăn trong tổ chức hoạt động.
Fast Retailing có kế hoạch đầu tư khoảng 100 tỷ Yên (khoảng 900 triệu USD) để tự động hóa các kho hàng ở những thị trường còn lại trên thế giới trong vòng ba năm.
Tuy nhiên, Fast Retailing đã lấy đó làm bài học để mở rộng sang các nước khác. Đến cuối tháng 8/2018, doanh thu hàng năm của họ đã đạt mức 18,96 tỷ USD.
Năm 2016, Fast Retailing đã vượt qua GAP, nguồn cảm hứng lâu năm của ông Yanai để trở thành nhà nhà bán lẻ thời trang casual lớn thứ ba thế giới sau Zara (Công ty mẹ là Inditex) và hãng H&M của Thụy Điển.
Năm ngoái, Inditex có doanh thu 29,1 tỷ USD và họ đã tập trung đầu tư vào logistics cũng như công nghệ mới để tạo ra lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, trước đây, ưu tiên hàng đầu của Fast Retailing lại là cắt giảm chi phí.
Ở thời điểm hiện tại, việc phân bổ hàng tồn kho toàn cầu của Fast Retailing tại Ariake đã được cải thiện đáng kể. Thế nhưng, dù họ đang trên đà bắt kịp với Inditex thì sự cạnh tranh thực sự lại có thể đến từ một đối thủ khác.
Những công ty bán hàng và công nghệ trực tuyến, cụ thể là Amazon và các công ty khởi nghiệp khác đang đặt ra thách thức lớn với các nhà bán lẻ truyền thống. Tại Nhật Bản, trang web bán hàng trực tuyến Zozotown đang trở thành đối thủ tiềm năng của Uniqlo ở phân khúc trang phục cơ bản.
Ông Yanai đã thừa nhận rằng điểm yếu của Fast Retailing chính là trực tuyến. Bên cạnh đó, còn có một cuộc đua mới trong việc sử dụng thông tin và hiệu quả hoạt động.
Ông nói thêm: “Thông tin khách hàng sẽ tương đương với thông tin sản phẩm trong tương lai. Khả năng phân tích và hiểu dữ liệu cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ khách hàng tốt hơn sẽ rất quan trọng đối với thành công trong kinh doanh”.
Một chuyên gia tư vấn của kho hàng Ariake lưu ý: “Amazon chính là điều mà dự án đang nhắm đến. Mục tiêu của chúng tôi là thay thế các công việc lặp lại và tính toán bằng máy móc, phần mềm để mở rộng khả năng xử lý thông tin”.
Dây chuyền tự động của nhà kho tại Ariake của Uniqlo.
Ông Yanai cho rằng Fast Retailing cần “tạo ra các sản phẩm dựa trên thông tin tốt nhất cho khách hàng”. Theo chuyên gia tư vấn, Fast Retailing nên theo mô hình tương tự Amazon nơi thông tin về sở thích, thói quen lướt web và mua sắm của khách hàng được sử dụng để giới thiệu sản phẩm phù hợp.
Tuy nhiên, một điều mà ông Yanai khá tự tin chính là cả Amazon và Zozotown đều thiếu chuyên môn về nhãn hiệu riêng.
Ông nói: “Tôi không nghĩ Amazon và Zozotown sẽ chiếm lĩnh tất cả thị trường. Chúng tôi có nguồn lực phong phú và kiến thức về trang phục. Chúng tôi đang tạo ra sản phẩm thực sự có chất lượng so với một số nhà bán lẻ trực tuyến khác”.
Việc hợp tác với nhà sản xuất vải Toray Industries tạo ra dòng đồ lót gây “sốt” Heattech kết hợp công nghệ để giữ cho người mặc luôn ấm áp và áo khoác Ultra Light Down là một trong số những minh chứng chứng minh sự thành công của Fast Retailing. Ngoài ra, họ còn kết hợp với biểu tượng thời trang Hồi giáo Hana Tajima và nhà thiết kế người Pháp Christophe Lemaire.
Mặc dù vậy, các nhà bán lẻ trực tuyến cũng đang dần thu hẹp khoảng cách. Amazon đã bán quần áo qua nhãn hiệu riêng mang tên Amazon Essentials đồng thời thử nghiệm nhiều dòng sản phẩm sáng tạo hơn.
Một điều quan trọng nữa mà Fast Retailing cần cải thiện là logistics để tăng tính cạnh tranh. Trong vài năm qua, họ đã trải qua một loạt thất bại liên quan đến cơ sở hạ tầng, như việc dừng tạm thời các dịch vụ chuyển phát cho các đơn đặt hàng trực tuyến tại Nhật Bản.
Tham vọng của ông Yanai là “mở rộng đến tất cả các nơi trên thế giới” và ông đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu của Uniqlo lên 3.000 tỷ Yên vào năm 2022.
Về kho hàng tại Ariake, dự án cải thiện hiệu quả hoạt động này đã khởi động từ năm ngoái và mang lại một số kết quả nhất định. Thu nhập hàng quý của Fast Retailing trong năm nay đã vượt mục tiêu và hoạt động cả trong và ngoài nước đều cho thấy doanh thu và lợi nhuận tăng lên. Lợi nhuận hoạt động của Tập đoàn đạt 236 tỷ Yên, tăng 33,9% so với năm trước.
Kho hàng tại Ariake bắt đầu thử nghiệm tự động hóa từ mùa xuân năm ngoái và đang xử lý các sản phẩm của Uniqlo cho thương mại điện tử trong nước. Theo Fast Retailing, tự động hóa đã cải thiện năng suất kho bãi gấp 80 lần và giảm tới 90% nhu cầu nhân công. Hiện chỉ có khoảng 10 công nhân tại nhà kho và trong năm tới, con số này sẽ còn tiếp tục giảm.
Ariake sẽ là tiêu chuẩn của công ty trên quy mô toàn cầu. Fast Retailing có kế hoạch đầu tư khoảng 100 tỷ Yên (khoảng 900 triệu USD) để tự động hóa các kho hàng ở những thị trường còn lại trên thế giới trong vòng ba năm. Hiện công ty có gần 3.400 cửa hàng ở khoảng 20 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Úc.
Tham vọng của ông Yanai là “mở rộng đến tất cả các nơi trên thế giới” và ông đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu của Uniqlo lên 3.000 tỷ Yên vào năm 2022. Để làm được điều đó, ông biết rằng công ty sẽ phải hoạt động theo đúng nghĩa đen của cái tên Fast Retailing.